Ngũ khí là chân khí vào tạng, phát động công năng của tạng mà sinh ra ngũ khí. Ngũ khí không hoạt động biệt lập mà phải đồng bộ giao hòa, cân bằng với nhau thì cơ thể mới hoạt động tốt, nếu không cân bằng tức là bệnh xuất hiện.
Các tính chất của ngũ khí được quy định như sau:
1. Tâm khí: tính khí là Hỏa khí, tính ngũ hành là Hỏa, tính âm dương là Dương, màu khí là màu Đỏ, kinh chạy là Tâm kinh và Tiểu trường kinh.
Ngoài ra Tâm khí còn có một mối quan hệ khác là tạo ra khí Tâm bào (khí định danh) mà trong Đông y coi cơ sở của nó là màng bao tim. Khí Tâm bào chạy trong kinh Tâm bào và kinh Tam tiêu. Tâm khí tạo Tâm hỏa mà từ đó sinh ra huyết.
2. Can khí: tính khí là Phong khí, tính ngũ hành là Mộc, tính âm dương là Dương, màu khí là màu Xanh, kinh chạy là Can kinh và Đởm kinh. Can khí hoạt động tại Can và Đởm mà tạo ra Tân, nên gọi Can là chủ Gân là vậy.
3. Tỳ khí: tính khí là Thấp khí, tính ngũ hành là Thổ, tính âm dương là Âm, màu khí là màu Vàng, kinh chạy là Tỳ kinh và Vị kinh.
Tỳ khí hoạt động tại Tỳ và Vị tạo ra Dịch, Dịch là thứ vật chất trong tế bào cho nên gọi Tỳ chủ Nhục (thịt) là vậy.
4. Phế khí: tính khí là Táo khí, tính ngũ hành là Kim, tính âm dương là Dương, màu khí là màu Trắng, kinh chạy là Phế kinh và Đại trường kinh.
Phế khí hoạt động trong Phế và Đại trường tạo thành khí Hậu thiên của cơ thể.
5. Thận khí: tính khí là Hàn khí, tính ngũ hành là Thủy, tính âm dương là Âm, màu khí là màu Đen, kinh chạy là Thận kinh và Bàng quang kinh.
Thận khí hoạt động trong Thận và Bàng quang mà thành tinh Hậu thiên của con người.